Trường Đại học Xây dựng Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 144/CP ngày 8 tháng 8 năm 1966 của Hội đồng Chính phủ, tiền thân là Khoa Xây dựng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh, trường phải rời Thủ đô Hà Nội đi sơ tán ở nhiều nơi trên các tỉnh Hà Bắc, Vĩnh Phú... Cuối năm 1983, trường chuyển về Hà Nội nhưng vẫn còn phân tán ở 4 khu vực: Cổ Nhuế, Phúc Xá, Bách Khoa và Đồng Tâm; đến năm 1991 trường mới tập trung tại Phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Năm 2014, Trường đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo thực nghiệm tại Hà Nam với diện tích trên 24ha.
Trải qua hơn 65 năm đào tạo, 55 năm xây dựng và phát triển, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã trở thành một trường đại học đa ngành, một trung tâm nghiên cứu và triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, đào tạo các ngành, các bậc học từ đại học đến tiến sĩ trong lĩnh vực Xây dựng. Để đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đang tập trung mọi cố gắng để đào tạo ra đội ngũ kĩ sư, kiến trúc sư năng động, sáng tạo, có khả năng giải quyết những vấn đề mà thực tiễn đặt ra, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, từng bước hội nhập với khu vực và thế giới.
Tính đến tháng 6/2023 đội ngũ có 894 người, trong đó có 634 giảng viên, 165 viên chức Hành chính, 46 cán bộ hướng dẫn thí nghiệm, 49 lao động hợp đồng theo Nghị định 68. 66 GS và PGS, 260 người có trình độ TS trở lên, 435 Thạc sĩ. Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đang đào tạo 47 ngành/chuyên ngành ở trình độ đại học, 19 ngành/chuyên ngành trình độ sau đại học (thạc sĩ và tiến sĩ).
Đến nay, trường đã đào tạo cho đất nước trên 80.000 kĩ sư, kiến trúc sư, trên 8000 thạc sĩ và tiến sĩ đồng thời thực hiện nhiều đề tài khoa học, các dự án lớn và chuyển giao công nghệ.
Các cựu sinh viên của trường, nhiều người đang giữ trọng trách ở các cơ quan lãnh đạo Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương, ở các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, công ty…Nhiều người được phong tặng danh hiệu Anh hùng.
Video Phim tài liệu: "Khi con người là tài sản quý nhất" Kỷ niệm 50 năm thành lập Trường ĐHXD Hà Nội (1966-2016)
Video Trường Đại học Xây dựng Hà Nội 45 năm - một chặng đường (1966-2011)
Kỷ yếu "Trường Đại học Xây dựng Hà Nội 50 năm hình thành và phát triển (1966-2016)
Vươn ra biển lớn - Kỷ niệm 65 năm đào tạo 55 năm thành lập (1956-1966-2021)
Phim tài liệu "Thầy của chúng tôi - NGND Nguyễn Sanh Dạn"
CÁC GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN
Khoa Xây dựng trường Đại học Bách khoa Hà Nội tiền thân của trường Đại học Xây dựng Hà Nội (1956-1966)
Tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về tái lập hoà bình ở Đông Dương được ký kết, đất nước ta bước vào một trang sử mới, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng và bắt đầu thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội (CNXH). Công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi phải phát triển nhanh chóng sự nghiệp giáo dục và đào tạo, trong đó có đào tạo trình độ đại học.
Ngày 06 tháng 3 năm 1956, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBK) – trường đại học kỹ thuật đầu tiên của nước ta được thành lập gồm 10 khoa, trong đó có Khoa Xây dựng.
Ngày 15 tháng 10 năm 1956, tại Thủ đô Hà Nội, trường đã chính thức làm Lễ khai giảng khóa học chính quy đầu tiên cho hơn 1000 sinh viên thuộc 4 chuyên ngành của 4 Liên khoa Cơ - Điện, Mỏ - Luyện kim, Hóa - Thực phẩm và Xây dựng. Trong giai đoạn này đã đào tạo khoảng 4000 kỹ sư công nghiệp hệ chính quy, thực hiện hơn 100 đề tài NCKH và hợp đồng kinh tế - kỹ thuật phục vụ sản xuất và chiến đấu.
Những khó khăn của Trường ĐHBK cũng là những khó khăn của Khoa Xây dựng lúc đó. Khi mới thành lập, Khoa Xây dựng chỉ có 8 cán bộ chủ chốt là các thầy giáo: Lê Tâm, Nguyễn Sanh Dạn, Nguyễn Văn Hường, Vũ Văn Tảo, Lê Đỗ Chương, Lê Thạc Cán, Nguyễn Văn Cung và Nguyễn Đơn Giản.
Chủ nhiệm khoa đầu tiên là thầy giáo Lê Tâm, Kỹ sư Cầu đường từ Pháp về nước năm 1946; Phó chủ nhiệm khoa là thầy giáo Nguyễn Sanh Dạn, Kỹ sư Công chính từ Bộ Quốc phòng về.
Địa điểm làm việc của khoa là một phần nhà D trong khu Đông Dương học xá.
Tuy ban đầu có nhiều khó khăn, nhưng chỉ sau 6 tháng kể từ ngày thành lập, đến tháng 9/1956, Khoá 1 Khoa Xây dựng với 200 trong tổng số 1095 sinh viên toàn trường đã nhập học. Ban đầu Khoa Xây dựng đào tạo 3 ngành: Xây dựng cầu đường, Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Xây dựng thuỷ lợi - cảng.
Năm 1961 ngành Kiến trúc được mở và tuyển sinh khoá đầu tiên.
Từ 1956 – 1966, khoa đã tuyển 10 khóa sinh viên từ Khoá 1 đến Khoá 10. Khoa đã đào tạo hoàn chỉnh 6 khóa với gần 1000 kỹ sư và tiếp tục đảm nhận đào tạo Khóa (7, 8, 9, 10) với hơn 900 sinh viên cho 8 ngành: Xây dựng Cầu, Xây dựng Đường, Xây dựng Thủy lợi, Xây dựng Cảng – Đường thủy, Xây dựng dân dụng và công nghiệp, Xây dựng đô thị, Thông gió và Cấp thoát nước.
Từ Khoá 1 đến Khóa 9, khoa tổ chức tuyển sinh ở Hà Nội; Khoá 10 tuyển sinh tại các địa phương. Thời gian đào tạo các khóa lúc đầu là 4 năm, từ Khóa 7 trở đi là 5 năm. Riêng Khoá 1, do sự đòi hỏi cấp thiết của công cuộc xây dựng đất nước nên theo thời gian học chỉ có 3 năm rưỡi.
Trong 10 năm, từ tháng 3/1956 đến tháng 8/1966, Khoa Xây dựng Trường ĐH Bách khoa đã liên tục phấn đấu và trưởng thành. Mười năm ấy không dài đối với một khoa trong một trường đại học nhưng khoa đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, tiềm lực và những điều kiện cần thiết cho việc ra đời Trường Đại học Xây dựng.
Trường Đại học Xây dựng Hà Nội thời kỳ sơ tán (1966-1983)
Cuộc chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ đã tàn phá nặng nề các cơ sở hạ tầng, các công trình xây dựng trên toàn miền Bắc. Công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế của miền Bắc buộc phải chuyển hướng, từ tập trung chuyển sang phân tán, từ thời bình chuyển sang thời chiến, để giảm sự thiệt hại đến mức thấp nhất.
Khoa Xây dựng sau 10 năm phấn đấu và trưởng thành đã có những tiềm lực và khả năng đáp ứng đủ các điều kiện cần thiết để tách khỏi Trường Đại học Bách khoa, thành lập Trường Đại học Xây dựng (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội ngày nay).
Tháng 3/1966, Trường ĐHBK ra quyết định thành lập Ban Trù bị thành lập Trường Đại học Xây dựng gồm các đồng chí:
Trần Đức Trân - Uỷ viên Thường vụ Đảng uỷ trường, Trưởng ban;
Nguyễn Sanh Dạn - Chủ nhiệm Khoa Xây dựng, Phó Trưởng ban;
và 5 uỷ viên: Lê Vạn, Trần Văn Ngọc, Nguyễn Ngọc Tế, Nguyễn Phụng Võ, Nguyễn Liêm.
Ban Trù bị có nhiệm vụ giúp trường soạn thảo các văn bản trình Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp và Nhà nước cho phép thành lập Trường Đại học Xây dựng.
Các đồng chí Trần Đức Trân, Nguyễn Sanh Dạn và Lê Vạn là những người đầu tiên họp bàn xác định địa điểm của trường. Sau đó, Ban Trù bị được bổ sung thêm các đồng chí Đỗ Quốc Sam, Võ Văn Bích để thành lập Ban Lãnh đạo lâm thời, tìm địa điểm sơ tán cho trường. Các đồng chí Phạm Sỹ Liêm, Huỳnh Xuân Đình, Hoàng Huy Thắng và Nguyễn Liêm được giao nhiệm vụ phối hợp với Ban Lãnh đạo lâm thời triển khai các hoạt động cần thiết. Sau nhiều lần cân nhắc, Ban Lãnh đạo lâm thời chọn 2 huyện Quế Võ và Gia Lương thuộc tỉnh Hà Bắc làm nơi sơ tán của trường và chọn thôn Quế Ổ (thuộc xã Chi Lăng, huyện Quế Võ) là nơi làm việc của Ban Giám hiệu và các phòng, ban.
Từ năm 1966 đến 1983, Trường Đại học Xây dựng đã di chuyển địa điểm nhiều lần từ Hà Nội sơ tán về Hà Bắc, phân tán dọc hai bên bờ sông Đuống thuộc hai huyện Quế Võ và Gia Lương. Đến năm 1970, kết thúc giai đoạn phân tán, trường di chuyển tập trung về Hương Canh (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phú). Một bộ phận nhỏ còn ở lại khu Chèm (xã Tiền Phong – huyện Mê Linh – tỉnh Vĩnh Phú).
Những năm 1966-1975, nhà trường đã gắn đào tạo với phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chi viện cho miền Nam. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, trên 1000 sinh viên của các khoá từ 11 đến 14 đã trở lại trường tiếp tục học tập.
Thực hiện Chỉ thị 222 – TTg của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương vừa học tập vừa phục vụ sản xuất và chiến đấu, Đảng uỷ, Ban Giám hiệu đã tổ chức 25 đoàn với trên 1000 CBGD và sinh viên đi tham gia đảm bảo giao thông, tạo nên một phong trào “Xuống đường” sôi động, ghi dấu ấn sâu sắc trong giới sinh viên của thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Nhiệm vụ nghiên cứu khoa học trong thời kỳ này nhằm 2 mục tiêu, gắn liền với 2 nhiệm vụ chiến lược: Phục vụ chiến đấu chống Mỹ, giải phóng miền Nam và xây dựng XHCN ở miền Bắc, chú trọng phục vụ sản xuất tại nơi sơ tán.
Những năm 1966 – 1971, trường sơ tán trong các vùng đồng chiêm trũng Quế Võ, Gia Lương (Hà Bắc), các đề tài NCKH tập trung vào những nhiệm vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn, bảo đảm giao thông thời chiến
Những năm 1971 - 1983, toàn trường tập trung chủ yếu ở Hương Canh – Vĩnh Phú, công tác NCKH dần dần đi vào những mảng đề tài lớn hơn không những đáp ứng yêu cầu trước mắt mà còn hướng tới tương lai.
Sau khi Hiệp định Pari về lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết (27/1/1973), Đảng ủy trường đã nhiều lần bàn phương án, đề nghị cấp trên cho Trường Đại học Xây dựng chuyển về Hà Nội. Từ đó, Đảng ủy trường đã tập trung chỉ đạo tìm mọi khả năng để có thể di chuyển trường từ Hương Canh và Chèm về Hà Nội.
Sau đại thắng Mùa Xuân năm 1975, cả nước bước vào thời kỳ khôi phục, xây dựng và phát triển đất nước. Nhiệm vụ hàn gắn những vết thương chiến tranh được đặt ra cấp bách, trước hết là khôi phục cơ sở hạ tầng. Đây cũng là một trong các yêu cầu quan trọng và trực tiếp đối với Trường Đại học Xây dựng trong nhiệm vụ đào tạo đội ngũ kỹ sư, kiến trúc sư cho công cuộc khôi phục và phát triển đất nước.
Để đáp ứng nhu cầu cán bộ KHKT trình độ cao, trường đã có ý tưởng mở lớp đào tạo Sau đại học, khởi đầu là hình thức bổ túc kỹ sư – năm 1975, đã có 43 học viên Cao học đầu tiên được tuyển, Khoá 2 tăng lên 64 học viên. Nhiệm vụ này do Phòng Nghiên cứu khoa học quản lý. Năm 1977, trường được Nhà nước giao nhiệm vụ đào tạo NCS trong nước (QĐ số 97/TTg ngày 11/3/1977). Các phó tiến sỹ bảo vệ trong nước đầu tiên của Việt Nam là người của Trường Đại học Xây dựng. Đó là các thầy giáo Hồ Anh Tuấn, Phạm Khắc Hùng, Trần Văn Hãn, Dương Học Hải, Hoàng Văn Quý, Nguyễn Như Khải và Vũ Công Ngữ. Đây là những phó tiến sỹ khoa học kỹ thuật đầu tiên được đào tạo trong nước nên đã được Chính phủ tổ chức trọng thể lễ trao bằng tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội và Phó Thủ tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp trao bằng.
Đến năm 1976, trường đã có 500 CBGD đạt yêu cầu về trình độ và tương đối đồng bộ về chuyên ngành, đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao, trong đó có hơn 100 người có trình độ phó tiến sĩ và tương đương.
Tháng 11-1980, Trường Đại học Xây dựng vừa học vừa làm sáp nhập vào trường, nên đội ngũ cán bộ của trường được bổ sung thêm 200 CBGD và cán bộ quản lý. Tuy nhiên, sau khi miền Nam được giải phóng, trường được Bộ ĐH&THCN giao nhiệm vụ chi viện CBGD cho một số trường đại học phía Nam. Thực hiện nhiệm vụ này, năm 1976 hơn 60 cán bộ trong đó có 14 phó tiến sỹ và năm 1977 có 17 cán bộ được điều đi tăng cường cho các tỉnh miền Nam. Cũng trong thời kỳ này, 48 cán bộ của trường cũng được điều đi tăng cường cho các trường phía Bắc. Do vậy đến năm 1983 trường chỉ còn 450 CBGD.
Ngày 27/10/1975, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 426/TTg cho phép Trường Đại học Xây dựng di chuyển từ Hương Canh về Hà Nội. Ban đầu, địa điểm được xác định ở vùng ven nội thành Hà Nội (Công văn 625-VP4 của Phó Thủ tướng Huỳnh Tấn Phát ký ngày 16/02/1979).
Tháng 01/1980, UBHC thành phố Hà Nội thông báo hướng dẫn chuẩn bị xây dựng Trường Đại học Xây dựng tại xã Cổ Nhuế - Thụy Phương, huyện Từ Liêm. Tháng 4/1980, Bộ ĐH&THCN ký Quyết định phê duyệt nhiệm vụ thiết kế Trường Đại học Xây dựng trên diện tích 2 ha tại cánh đồng xã Cổ Nhuế để đảm bảo một phần yêu cầu của công tác đào tạo và phục vụ đời sống cho khoảng 2500 sinh viên.
Tháng 11/1980, Bộ ĐH&THCN ra Quyết định sáp nhập Trường Đại học Xây dựng Vừa học Vừa làm với 200 CB và 700 SV vào Trường ĐHXD. Tháng 6/1981, UBND thành phố Hà Nội đã có công văn số 2840/X/UB chuyển giao khu vực Đồng Tâm của Trường Đại học Xây dựng Vừa học Vừa làm cho Trường Đại học Xây dựng.
Năm 1981, trường ĐHXD đã khởi công xây dựng cơ sở trường tại Cổ Nhuế. Trong 2 năm 1981-1982, trường đã xây dựng được 3740 m2 nhà, sản xuất 1150 triệu viên gạch chỉ, 2.5 vạn viên gạch lát. Cuối 1982, toàn bộ Khóa 24 và 25, phần lớn Khoa Tại chức và Khoa Kiến trúc đã được di chuyển về Hà Nội.
Cuối 1983, về cơ bản Trường Đại học Xây dựng đã chuyển hết về các địa điểm tại Hà Nội nhưng vẫn còn phân tán ở 4 khu vực: Cổ Nhuế, Phúc Xá, Bách Khoa và Đồng Tâm. Mặc dù đã về Hà Nội, nhưng đời sống của cán bộ và sinh viên còn gặp rất nhiều khó khăn, trường bước vào một giai đoạn lịch sử mới trong quá trình hình thành và phát triển trường.
Ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh, phải rời Thủ đô đi sơ tán nhiều nơi trên các tỉnh Hà Bắc, Vĩnh Phú…. Cán bộ và sinh viên trường đã dũng cảm đương đầu với mọi khó khăn, gian khổ, chiến thắng thiên tại, địch hoa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giảng dạy và học tập nghiên cưu khoa học … góp phần cùng quân dân cả nước bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam XHCN. Trường đã không ngừng phát triển về số lượng, nâng cao về chất lượng toàn diện để phục vụ nhiệm vụ chính trị tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước và xây dựng CNXH trước mắt và lâu dài. Gắn nội dung giảng dạy và NCKH với cuộc cách mạng kỹ thuật, đào tạo cán bộ thích ứng với yêu cầu về kinh tế, quốc phòng của đất nước. Nhà trường đã nghiên cứu và ứng dụng thành công nhiều đề tài vào sản xuất và phục vụ quốc phòng. Trường đã đào tạo được trên 7000 SV tốt nghiệp hệ chính quy và 1913 SV hệ tại chức và 1392 kỹ sư hệ chuyên tu. Các kỹ sư, kiến trúc sư do Trường Đại học Xây dựng đào tạo trong giai đoạn này đã thực sự là một lực lượng cán bộ KHKT có năng lực, tỏa đi khắp mọi miền Tổ quốc đáp ứng kịp thời yêu cầu khôi phục và phát triển đất nước sau chiến tranh. Nhiều cán bộ đã được giao những trọng trách quan trọng trong ngành Xây dựng.
Trường Đại học Xây dựng Hà Nội thời kỳ ổn định và phát triển (1983 - nay)
Vào cuối năm 1983, Trường Đại học Xây dựng đã chuyển từ Hương Canh về Hà Nội . Năm học 1983-1984, trường tuyển sinh Khóa 28 - khóa đầu tiên tuyển sinh tại Hà Nội, sau 17 lần tuyển sinh ở các vùng sơ tán thuộc tỉnh Hà Bắc và Vĩnh Phú.
Ngày 17/4/1986, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười đã ký Quyết định số 100/CT phê duyệt Luận chứng kinh tế kỹ thuật Trường Đại học Xây dựng với tổng diện tích xây dựng 2 vạn m2 trên vùng đất 9 ha của phường Đồng Tâm. Công trình Trường ĐHXD do trường tự thiết kế và cùng với Bộ Xây dựng tổ chức thi công.
Cũng thời kỳ này, sự nghiệp giáo dục và đào tạo đứng trước yêu cầu phải đổi mới toàn diện, từ nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, học tập, tổ chức quản lý đào tạo đến xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ…, để đáp ứng những nhiệm vụ của ngành trong tình hình mới.
Từ 1990, đất nước dần dần thoát ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội và bắt đầu có chuyển biến tốt. Sự nghiệp đổi mới với những định hướng lớn trong chiến lược con người mà Đảng đề ra đã làm chuyển biến sâu sắc toàn ngành. Năm 1991, Trường Đại học Xây dựng tập trung về phường Đồng Tâm, Quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, bắt đầu giai đoạn phát triển mới Sự đổi mới trong giáo dục đào tạo trở thành yếu tố quyết định của sự nghiệp CNH - HĐH đất nước.
“Sứ mạng của trường Đại học Xây dựng là đáp ứng tốt nhất yêu cầu ngày càng cao của xã hội về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ tiên tiến, góp phần đắc lực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giữ gìn an ninh quốc phòng và phát triển toàn diện hệ thống giáo dục Đại học Việt Nam" - Thực hiện mục tiêu chiến lược trên, Nhà trường đã tăng cường quy mô đào tạo của cả hệ ĐH và SĐH, đa dạng hóa loại hình đào tạo, mở thêm ngành và chuyên ngành mới, đổi mới căn bản mục tiêu, chương trình và nội dung đào tạo, đổi mới quy trình đào tạo, phương thức quản lý đào tạo; đổi mới phương thức dạy và học….. Trường ĐHXD hiện đang đào tạo trên 15.000 SV, học viên cao học và NCS với 14 ngành (24 chuyên ngành) đại học; 7 ngành đào tạo hệ liên thông; 15 ngành đào tạo Thạc sỹ và 13 ngành đào tạo Tiến sĩ. Trong giai đoạn này, Nhà trường đã đẩy mạnh hoạt động Khoa học Công nghệ và phục vụ sản xuất, để bắt kịp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và nhu cầu phát triển ngành Xây dựng thời kỳ đổi mới, với nhiều thành công cũng như thách thức về công nghệ, môi trường, biến đổi khí hậu, xu thế tiết kiệm năng lượng, xây dựng công trình xanh … đòi hỏi sự nỗ lực để tiếp cận nghiên cứu rất cao của các nhà khoa học nói chung, trong đó có các nhà khoa học của ĐHXD nói riêng.
Các thầy giáo giàu kinh nghiệm ở các bộ môn tham gia nhiều hội đồng cấp Nhà nước đánh giá luận án tiến sỹ, hội đồng thẩm định thiết kế, thẩm định dự án, nghiệm thu Nhà nước các công trình lớn trên nhiều địa bàn của cả nước. Các hoạt động đó đã quảng bá được uy tín của đội ngũ các nhà khoa học đầu đàn, nâng cao vị thế khoa học của nhà trường.
Do bám sát thực tiễn, hàng loạt đề tài đã được đánh giá xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng. Một số công trình đạt Huy chương Vàng trong các Hội chợ Triển lãm kinh tế - kỹ thuật Việt Nam, một số công trình khác được Bộ đánh giá đạt mức “xuất sắc” cho triển khai thành dự án sản xuất thử nghiệm và được chế tạo, ứng dụng ở nhiều địa phương đạt hiệu quả kinh tế cao.
Từ 2006 đến nay, phát huy thế mạnh của các chuyên ngành trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, Nhà trường đã mở rộng hoạt động đối ngoại trong nước trên nhiều mặt: Duy trì hoạt động của câu lạc bộ các trường đại học khối kỹ thuật phía Bắc thông qua các cuộc hội thảo với nhiều chủ đề phong phú, gắn kết các trường trong khối và góp phần quảng bá giới thiệu trường. Nhiều cán bộ khoa học của các khoa, viện trong trường: Môi trường, Cơ khí XD, Vật liệu XD, Kiến trúc – Quy hoạch, Cầu đường, Xây dựng, Công trình thuỷ, … đã tham gia các Hội đồng chuyên gia, liên kết trong đào tạo và thực hiện các đề tài NCKH, với các Bộ: Bộ Xây dựng, Bộ GD&ĐT, Bộ Tài nguyên môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT, Tổng hội Xây dựng Việt Nam…. Công đoàn trường duy trì tốt mối liên kết truyền thống với cụm Công đoàn 5 trường đại học. Đoàn thanh niên và Hội Sinh viên trường tham gia tích cực các hoạt động trong phong trào chung của các trường đại học và của Thủ đô Hà Nội.
Về hợp tác Quốc tế: Trường đã mở rộng hợp tác quốc tế với nhiều trường đại học và các viện nghiên cứu của các nước trên thế giới: Pháp, Đức, Hà Lan, Úc, Bỉ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Thụy Sỹ, Hoa Kỳ, Anh, Ý, Canada, Hàn Quốc, Singapose và EU... và các tổ chức quốc tế khác...
Tổ chức AUF (Tổ chức hợp tác đại học Pháp ngữ) từ năm 1994 đã và đang giúp trường đạo tạo sinh viên ngành xây dựng Pháp ngữ. Đến nay là khoá 17 mỗi khoá 40SV. Từ năm học 1999 – 2000, trường đã tham gia dự án Việt – Pháp đào tạo kỹ sư chất lượng cao (PFIEV) với 40SV/ năm, từ năm học 2002 – 2003 là 90 SV/năm.
Tháng 5 năm 1999 trên cơ sở của Ban Quan hệ quốc tế nhà trường thành lập Phòng Đối ngoại và đến tháng 6/2006 đổi tên thành Phòng Hợp tác quốc tế. Công tác đối ngoại ngày càng được coi trọng và mở rộng, đáp ứng được các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị và nâng cao vị thế của nhà trường.
Đến nay, Trường ĐHXD đã đặt quan hệ với 40 trường đại học của hơn 30 nước và tổ chức quốc tế. Ngoài ra, còn liên kết với đại học của các nước Mỹ, Nga, Nhật… đào tạo hàng ngàn học viên học các khóa học ngắn hạn trong lĩnh vực xây dựng (quản lý dự án, phòng hỏa chống cháy...).
Trải qua hơn 60 năm đào tạo, 50 năm xây dựng và phát triển Trường Đại học Xây dựng đã trở thành một trường đại học đa ngành, một trung tâm nghiên cứu và triển khai ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ. Với đội ngũ 757 cán bộ giảng dạy và tham gia giảng dạy, 164 viên chức hành chính. Cơ cấu trong CBGD có 24 GS, 102 PGS, 137 GVC, về học vị có 213 TSKH và TS, 429 thạc sỹ; đào tạo các ngành, các bậc học từ đại học đến tiến sĩ trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Đến nay, trường đã đào tạo cho đất nước trên 60.000 kĩ sư, kiến trúc sư, hơn 3000 thạc sĩ và tiến sĩ đồng thời thực hiện nhiều đề tài khoa học, chuyển giao công nghệ và các dự án lớn.
Các cựu sinh viên của trường nhiều người đang giữ trọng trách ở các cơ quan lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, ở các công ty, tổng công ty, các tập đoàn kinh tế..., nhiều người được phong tặng danh hiệu Anh hùng.
Đến nay đã có 9 nhà giáo được phong tặng danh hiệu NGND, 67 nhà giáo được phong tặng danh hiệu NGƯT; 24 nhà giáo được phòng hàm GS, 102 nhà giáo được phong hàm PGS. Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã trao tặng cho Trường Đại học Xây dựng nhiều phần thưởng cao quý.
Ngày 13 tháng 8 năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1396/QĐ-TTg về việc đổi tên trường Đại học Xây dựng thành Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, có trụ sở chính tại Thành phố Hà Nội.