(Xây dựng) - Cùng với sự phát triển của trường Đại học Xây dựng, Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng là khoa được hình thành từ rất sớm. Từ đó đến nay, khoa đã không ngừng phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo ở cả trình độ đại học và sau đại học, hàng năm khoa cung cấp cho đất nước hàng nghìn kỹ sư Kinh tế Xây dựng có đầy đủ kiến thức, chuyên môn và kỹ năng cho ngành Xây dựng, đóng góp vào sự nghiệp phát triển nước nhà. Nhân dịp kỉ niệm 55 năm thành lập Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng, Báo điện tử Xây dựng xin gửi tới bạn đọc những cảm nhận của các cựu sinh viên đã từng theo học tại Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng (Đại học Xây dựng).
Kết nối các thế hệ sinh viên
Ông Đinh Khắc Tiệp - Trưởng Ban liên lạc - Cựu sinh viên Khoa KT & QLXD Chi cục trưởng – Chi cục Giám định xây dựng Nam Định
Ban liên lạc Cựu sinh viên khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng là một trong những tổ chức của Cựu sinh viên của trường Đại học Xây dựng, nhằm tổ chức các hoạt động có liên quan đến Cựu sinh viên của Khoa nói riêng và của Trường nói chung. Ban Liên lạc hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện, tự quản, dân chủ, công khai, minh bạch, đoàn kết tương trợ lẫn nhau vì mục tiêu chung và đóng góp cho sự phát triển của Trường.
Ban liên lạc ra đời là cầu nối giữa Ban chủ nhiệm Khoa với các cựu sinh viên của Khoa; Liên hệ với Ban chủ nhiệm khoa tổ chức, thực hiện các hoạt động hỗ trợ từ phía các cựu sinh viên đối với các hoạt động của Khoa mà trực tiếp là các sinh viên đang theo học tại Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng. Thu thập thông tin, kết nối giữa các cựu sinh viên với nhau từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu để phục vụ việc trao đổi thông tin giữa các cựu sinh viên với nhau, giữa cựu sinh viên với thầy, cô giáo nhà trường. Đây vừa là nơi giao lưu, vừa là nơi hỗ trợ lẫn nhau giữa cựu sinh viên của Khoa qua các thế hệ. Động viên các thế hệ cựu sinh viên phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà trường, không ngừng phấn đấu lao động, học tập và công tác tốt, để phát triển sự nghiệp, xây dựng cuộc sống hạnh phúc, góp phần cho sự phát triển lớn mạnh của nhà trường và xã hội.
Trong thời gian tới, Ban liên lạc sẽ thành lập mỗi tỉnh một Chi hội, là nơi thu hút các cựu sinh viên và là cầu nối để Ban liên lạc nắm bắt chắc chắn những bước đi và sự phát triển của các cựu sinh viên. Ban liên lạc sẽ liên hệ chặt chẽ với khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng, kịp thời thông báo những chương trình, hoạt động hướng tới các phong trào chung của nhà trường cũng như của Khoa và của Hội cựu sinh viên.
“Cái nôi” đào tạo hàng đầu về kỹ sư xây dựng chuyên ngành
Ông Nguyễn Bá Hoan - Chánh Văn phòng Bộ LĐ-TB&XH, cựu sinh viên Lớp Kinh tế B K31, Khoa Kinh tế xây dựng, trường Đại học Xây dựng
Còn nhớ ngày đó cơ sở vật chất của nhà trường rất khó khăn, tất cả các sinh viên phải học tập ở Cổ Nhuế (huyện Từ Liêm), sau đó chuyển về học tiếp tại cơ sở của trường ở bãi Phúc Xá, quận Ba Đình (khi đó nhà trường mới chuyển từ Hương Canh, Vĩnh Phú về nên phải ở 03 nơi: Đồng Tâm, Phúc Xá và Cổ Nhuế). Tuy cơ sở vật chất của nhà trường, đời sống của thầy cô và sinh viên gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng vượt lên mọi khó khăn đó là sự ấm áp. Bởi các thầy các cô luôn tận tình dạy bảo các sinh viên trau dồi kiến thức, rèn luyện đạo đức, lối sống và ý chí vươn lên… Mỗi trang giáo án đều thể hiện một chữ “Tâm” của thầy cô giáo với và niềm mong muốn các học trò sau này tốt nghiệp, ra trường đem kiến thức học tập áp dụng đóng góp xây dựng đất nước. Dưới mái trường Đại học Xây dựng, tôi không chỉ tiếp thu được những kiến thức chuyên ngành kinh tế xây dựng, mà còn cùng các bạn đồng trang lứa hòa mình vào các hoạt động sinh hoạt văn hóa-văn nghệ, thể thao sôi nổi…Trường Đại học Xây dựng là cái “nôi” mà tôi và các bạn Khóa 31 bắt đầu những năm tháng học tập, rèn luyện để lập nghiệp sau này. Quãng thời gian 5 năm học tập dưới mái trường Đại học Xây dựng có rất nhiều kỉ niệm vui buồn, nhưng đọng lại vẫn là cảm xúc ấm áp của những năm tháng được sống, học tập và trưởng thành dưới mái trường thân yêu. Đó là những năm tháng sôi nổi, nhiệt huyết nhất của tuổi trẻ. Khoảng thời gian ấy tuy không dài nhưng cũng đủ để ghi dấu những bài học trải nghiệm cuộc sống sau này.
Hôm nay, sau hơn 27 năm ra trường, bạn bè cùng lớp mỗi người mỗi nơi, công việc khác nhau, có người không còn nữa, nhưng những kỷ niệm, tình cảm của các thầy cô dành cho học trò không thể nào quên. Các thế hệ sinh viên Khoa kinh tế Xây dựng có được thành công ngày hôm nay, luôn ghi nhớ biết ơn công lao dạy dỗ chỉ bảo ân cần, trách nhiệm của các thầy cô giáo, cán bộ quản lý Khoa Kinh tế Xây dựng.
Nền móng cho sự phát triển
Ông Đoàn Văn Tuấn – Tổng Giám đốc Cotana Group, Cựu sinh viên Lớp 46KT3, Khoa KT&QLXD – ĐHXD, Niên khóa 2001 – 2006
Nhớ lại cách đây gần 20 năm, tôi thấy mình thật may mắn khi được theo học tại một trong những trường Đại học Chính quy, uy tín và giàu truyền thống bậc nhất của Thủ đô thời đó – cũng là ngôi trường mà nhiều bạn bè thế hệ tôi mơ ước đặt chân vào từ thời Trung học phổ thông. Tại Khoa Kinh tế và Quản lý Xây dựng của ngôi trường đầu ngành Xây dựng mà tôi theo học, việc đào tạo được thực hiện rất bài bản và gắn với thực tế. Bên cạnh giảng dạy kiến thức chuyên môn, nhà trường và khoa cũng gói ghém hành trang vào nghề cho sinh viên bằng những tiết học và hoạt động ngoại khóa đa dạng nhằm rèn luyện cho chúng tôi tư duy linh hoạt và nhạy bén, khả năng thích ứng với môi trường làm việc thực tiễn.
Ra trường, trong rất nhiều sự lựa chọn, cơ duyên đã đưa tôi đến với Cotana Group – một trong những công ty tư nhân đầu tiên của ngành Xây dựng Thủ đô. Tôi bắt đầu công việc ở vị trí nhân viên đúng với chuyên môn của mình. Nhờ kiến thức bài bản gắn với thực tiễn được trang bị trên ghế nhà trường, tôi nhanh chóng bắt nhịp với công việc của một kỹ sư kinh tế xây dựng tại công ty. Trường đời cũng là trường học. Tôi lần thứ hai thấy mình may mắn khi lựa chọn một môi trường làm việc phù hợp chuyên môn và đặc biệt nhận được sự chỉ dạy, dẫn dắt của nhiều cán bộ dày dặn kinh nghiệm của Công ty, trong đó không thể không nhắc đến ông Đào Ngọc Thanh - vị chủ tịch đáng kính, cũng là nguyên giảng viên trường ĐHXD.
Hơn 10 năm gắn bó với Cty, kinh qua nhiều vị trí từ nhân viên, Phó phòng, Trưởng phòng, Giám đốc chuyên môn đến Tổng Giám đốc đã cho tôi nhiều sự trải nghiệm thú vị và bài học quý giá. Tôi nhận ra rằng, chính sự nỗ lực, kiên trì làm tốt từng việc, dù là việc nhỏ nhất, không ngừng trau dồi chuyên môn, lắng nghe, học hỏi từ những người đi trước, không nóng vội, không có tâm lý “đứng núi này trông núi nọ” đã cho tôi kinh nghiệm, sự trưởng thành và cả vị trí lãnh đạo tại Công ty như hiện nay.
Trở thành Tổng Giám đốc của Cotana Group không chỉ mang lại cho tôi niềm vinh dự mà còn có chút phấn khích, xen lẫn tự hào khi Công ty cũng chính là đơn vị sáng lập Quỹ FSC (tiền thân là Quỹ CSC) và đồng hành cùng trường Đại học Xây dựng trao giải thưởng CSC hàng năm cho 1 sinh viên xuất sắc nhất, bắt đầu từ năm 2011. Trong vai trò là một thành viên của Hội đồng Quản lý Quỹ, tôi vui mừng khi làm được một vài điều nhỏ bé cho ngôi trường đã đào tạo mình và thường xuyên được gặp lại các thầy cô đã dạy dỗ mình tại trường, hiện lại trở thành đồng nghiệp, hợp tác trong công việc.
Sẽ còn rất nhiều mục tiêu đặt ra ở phía trước, nhưng có được như ngày hôm nay, tôi muốn gửi lời cảm ơn các thầy, cô của Khoa Kinh tế và Quản lý Xây dựng nói riêng, cảm ơn mái trường Đại học Xây dựng nói chung đã cho tôi những năm tháng sinh viên tràn đầy ký ức đẹp và đáng nhớ, đã cho tôi kiến thức vững vàng, tư duy linh hoạt để tự tin lập nghiệp. Tôi cũng muốn nhân dịp này gửi lời cảm ơn tới Cotana Group, nơi đã cho tôi những bài học hữu ích từ trường đời, trường nghề, nơi tôi có những thành công đầu tiên trong sự nghiệp.
Thành công sẽ đến khi chúng ta không ngừng cố gắng
Bà Tạ Thị Thu Thủy – Chánh văn phòng HĐQT Eurowindow Holding, Cựu sinh viên khoa Kinh tế Xây dựng, Đại học Xây dựng niên khóa 2005-2008
Trong thời gian học tập tại trường, sinh viên chúng tôi được trang bị các kiến thức chuyên sâu và phát triển các kỹ năng cần thiết. Đồng thời kết hợp lý thuyết với những kinh nghiệm nghề nghiệp nên sinh viên vô cùng hứng khởi học tập. Bên cạnh đó, song song với giảng dạy kiến thức chuyên môn, các thầy cô luôn có những chia sẻ, truyền đạt kinh nghiệm trong cuộc sống giúp chúng tôi tự tin hơn. Ngoài ra, do hầu hết thành viên trong lớp đều đã đi làm, ngoài việc trao đổi kiến thức chúng tôi cũng chia sẻ cho nhau nhưng kinh nghiệm trong công việc, về nghề nghiệp... Nên bản thân tôi nhận thấy thời gian đi học này là một trong những dấu ấn khó quên. Đã từng học chuyên ngành Kinh tế xây dựng tại Đại học Giao thông Vận tải nhưng sau khi ra trường công tác chủ yếu ở lĩnh vực Xây dựng, nên tôi quyết định bổ sung thêm kiến thức cho bản thân bằng cách theo học chương trình sau Đại học tại khoa Kinh tế Xây dựng (nay là khoa Kinh tế và quản lý Xây dựng) của Đại học Xây dựng (năm học 2005-2008). Tôi còn nhớ, hồi đó phải học trong giờ hành chính nên hết giờ học lại tôi lại phải về Cty làm việc tiếp.
Gần 20 năm làm việc trong lĩnh vực xây dựng, tôi hiểu rằng, là một người phụ nữ, tôi gặp nhiều khó khăn, gian nan trong công việc. Tuy nhiên, khi cống hiến hết mình, có niềm đam mê cháy bỏng, thì chúng ta sẽ thu lại những thành quả ngọt ngào. Vì vậy, tôi muốn nhắn nhủ với các bạn đồng nghiệp, các em sinh viên đang học tập tại Khoa rằng: “Nếu bạn tin tưởng và kiên định với lựa chọn của mình, thì dù có là một người phụ nữ, bạn vẫn có thể gánh vác những trọng trách lớn lao và nghề Xây dựng sẽ đem lại cho bạn những thành quả xứng đáng”.
Hiệu quả của việc đào tạo tại chỗ
ThS Nguyễn Kiên Sơn - Cựu học viên lớp Quản lý dự án Cần Thơ
Công tác tổ chức, giảng dạy của Trường được Khoa Đào tạo sau đại học, Khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng bố trí phù hợp với quỹ thời gian của học viên. Chương trình giảng dạy được thực hiện bởi đội ngũ các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học, tiến sĩ chuyên ngành quản lý xây dựng trực tiếp giảng dạy vừa mang tính chuyên môn sâu vừa gắn liền với thực tiễn. Trong 5 năm vừa qua, Trường ĐHXD liên kết với Trường ĐH Cần Thơ tổ chức các lớp cao học chuyên ngành Xây dựng, Quản lý dự án xây dựng, Quản lý đô thị tại Cần Thơ đã đáp ứng nhu cầu học tập nâng cao kiến thức của các kỹ sư, kiến trúc sư ngành Xây dựng tại 13 tỉnh miền Tây Nam bộ. Việc đào tạo tại chỗ vừa hiệu quả về thời gian và không tốn kém nhiều chi phí cho học viên so với tham gia các lớp học của các trường ĐH tại TP.HCM nên đã được đông đảo học viên tham gia học tập.
Sự nhiệt tình của thầy cô cán bộ quản lý và cán bộ trực tiếp giảng dạy đã không ngại đường xa, khắc phục khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất và nhất là phong tục tập quán của vùng miền để mang kiến thức đến cho các học viên không chỉ ở tại TP Cần Thơ mà là toàn khu vực ĐBSCL tham gia các khóa học.
Với khả năng và kiến thức có được sau khóa học nhiều học viên đã nhận được sự đánh giá cao của đơn vị công tác và đã có một số học viên đã được bổ nhiệm vào những vị trí cao trong đơn vị công tác.
Nơi chắp cánh những ước mơ tương lai
Ông Hoàng Quang Phú - Trưởng BQL dự án Đầu tư và Xây dựng huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, Cựu Sinh viên Lớp 50KT1, niên khóa 2005 - 2010
Là một học sinh dân tộc thiểu số vùng cao, xuất phát điểm thấp, lực học trung bình với tôi được theo học tại khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng là điều may mắn. Trong suốt những năm tháng được học tập tại trường Đại học Xây dựng, khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng tôi được tiếp cận nguồn tri thức mới, cách làm việc khoa học và trau dồi những kỹ năng mềm để phục vụ cho công việc cũng như cuộc sống sau này.
Trong quá trình học, chúng tôi đã được thầy, cô truyền dạy những kiến thức và kỹ năng chuyên môn và hơn cả đó là những bài học gắn với thực tế. Các môn học trong chương trình được tổ chức và sắp xếp khoa học với đích đến là hình thành cho sinh viên kỹ năng phát hiện, phân tích, đánh giá phản biện, khả năng tư duy hệ thống và biết tiếp cận các vấn đề trong bối cảnh nền kinh tế mở. Và đặc biệt là khả năng tự nghiên cứu và vận dụng các kiến thức, các kỹ năng vào nhận diện và giải quyết các vấn đề nảy sinh từ thực tiễn hoạt động.
“Không sợ khó, không sợ khổ, chỉ sợ không có tư duy”, chính nhờ môi trường này đã giúp sinh viên chúng tôi có tư duy sắc bén để đối phó với mọi thách thức trong cuộc sống. Khi bạn đã có một tư duy rõ ràng và hiệu quả thì việc tiếp thu những kỹ năng nghề nghiệp trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Điều này mở rộng cánh cửa việc làm cho sinh viên nhờ sự linh hoạt trong sự lựa chọn ngành nghề và khả năng bứt phá trong sự nghiệp của mỗi cá nhân.
Với những kiến thức đã học được được trang bị trên ghế nhà trường, tôi đã có được công việc đúng chuyên môn tại Ban quản lý dự án đầu tư và xây dựng huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn. Kiến thức là vô hạn và còn nhiều điều mà bản thân tôi cần học hỏi, nhiều mục tiêu cần phấn đấu nhưng để có được sự thành công ngày hôm nay tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến các thầy cô trong khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng đã đào tạo ra những lớp kỹ sư kinh tế xây dựng cho đất nước.
Những bài học vẫn đi cùng năm tháng
Phạm Văn Thành - Chủ tịch UBND Thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, Khóa 41 – Đại học Xây dựng, Nghiên cứu sinh khoa Kinh tế - Quản lý xây dựng
Tôi là một kỹ sư cầu đường, có “cơ duyên” được đào tạo, rèn luyện dưới mái trường Đại học Xây dựng, cơ sở có bề dày truyền thống, uy tín trong đào tạo và nghiên cứu về ngành xây dựng. Trong khoảng thời gian công tác tại Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Ninh và hiện được điều động nhận công tác Chủ tịch UBDN thị xã Đông Triều, Tỉnh Quảng Ninh, tôi đã được tiếp cận nhiều chủ trương, cơ chế chính sách, mô hình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị liên quan đến tái cấu trúc kinh tế, chuyển đổi mô hình phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Công việc quản lý nhà nước đòi hỏi tôi phải có tầm nhìn xa, khả năng hoạch định cũng như các kỹ năng quản lý khác.
Hiện tại, tôi là nghiên cứu sinh ngành Quản lý xây dựng. Tôi nhận thấy việc chương trình nghiên cứu chuyên sâu về quản lý xây dựng của khoa Kinh tế và Quản lý xây dựng giúp cho các nhà quản lý như tôi có khả năng tư duy chiến lược và phản ứng sáng tạo với điều kiện kinh tế xã hội biến động, lập kế hoạch và kiểm soát việc phân bổ nguồn lực theo nhu cầu ngành, địa phương. Điều này giúp tôi phát triển các kỹ năng phân tích, kỹ thuật và quản lý và chuẩn bị cho các nhiệm vụ quản lý được giao trong hiện tại và tương lai, đặc biệt là công tác tham mưu, triển khai các định hướng, chính sách của Đảng và Nhà nước. Những bài học từ thầy cô, bạn bè dưới mái trường Đại học Xây dựng sẽ là hành trang quan trọng, tạo nền móng giúp tôi vững bước trên con đường phía trước.
Trích nguồn: Báo xây dựng